Liên kết website

Thống kê truy cập

Tấm gương người tốt việc tốt

Người thầy hết lòng vì học sinh vùng cao

13/06/2019 00:00 255 lượt xem

TTTĐT - Vậy là kết thúc năm học 2018-2019 này, thầy giáo Nguyễn Hữu Trọng đã tròn 23 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người tại xã vùng cao Sủng Trái, huyện Đồng Văn. Sinh ra và lớn lên ở miền quê thuần nông Tứ Kỳ (Hải Dương), nhưng thầy Trọng lại bén duyên với vùng đất nghèo của cao nguyên đá Đồng Văn, giúp ươm mầm ước mơ con chữ của bao thế hệ học trò.

          Với thầy giáo Nguyễn Hữu Trọng, giờ Sủng Trái đã là nhà, là quê hương thứ 2 của mình. “Ngay từ nhỏ tôi đã được gia đình đưa đến ở với nhà bác ở thị xã Hà giang (nay là T.P Hà Giang). Học xong THPT, tôi quyết định nộp hồ sơ theo học Trường Trung cấp Sư phạm Hà Giang (nay là Trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang). Mong ước được đóng góp sức trẻ và niềm nhiệt huyết cho địa phương của bản thân được toại nguyện, ngay sau khi ra trường tháng 7 năm 1996, Sở Giáo dục - Đạo tạo đã phân công tôi về công tác tại Đồng Văn. Tại đây, Phòng Giáo dục huyện tiếp tục phân công về dạy tại điểm trường thông Sủng Của, xã Sủng Trái. Ngày đầu lên Đồng Văn, UBND huyện tạo điều kiện đưa xe từ trung tâm huyện về xã cách đó 44km. Từ tỉnh lộ vào xã Sủng Trái khi đó chỉ chưa đầy 3km nhưng đường mòn và dốc nên phải đi bộ mất cả buổi. Ba giáo viên trẻ đi bộ được 30 phút thì đều rách dép cả, vậy là chúng tôi phải chân trần đi tiếp. Đó là kỷ niệm đáng nhớ khi bắt đầu đi dạy mà tôi nhớ mãi” - thầy Trọng kể lại.

 Tuy đã gắn bó với mảnh đất Hà Giang từ nhỏ, nhưng cuộc sống và điều kiện sinh hoạt khó khăn ở điểm trường vùng cao cách xa trung tâm thực sự là thử thách đối với một giáo viên trẻ. “Khó nhất là bản thân mình không biết tiếng Mông. Trong khi 100% bà con người Mông trong xóm lại không thể nói tiếng phổ thông. Ngay như trưởng thôn cũng chỉ nói được vài câu bập bẹ. Do vậy, việc giao tiếp, truyền dạy kiến thức cho học sinh gặp rất nhiều trở ngại” - thầy Trọng chia sẻ. Không chịu bó tay, thầy Trọng tích cực học hỏi ngôn ngữ của bà con. Sau những giờ lên lớp, người giáo viên trẻ lại đến thăm bà con dân bản, cùng lao động và tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhờ vậy mà vốn ngôn ngữ và kiến thức về phong tục tập quán của đồng bào Mông của thầy được bổ sung nhanh chóng. Giờ thì đã nói chuyện, giao tiếp như người bản địa. Không chỉ dạy kiến thức, thầy Trọng còn cùng Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn và cán bộ xã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất, cũng như vận động học sinh không bỏ lớp.

Trong 23 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy Nguyễn Hữu Trọng đã chuyển qua nhiều vị trí công tác. Từ điểm trường thôn Sủng Của, thôn Tìa Súng, điểm trường trung tâm của xã, rồi bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sủng Trái, ở vị trí nào thầy cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thầy chia sẻ: Tình cảm thân thiết của người dân và các thế học sinh giúp tôi có thêm động lực vượt qua những khó khăn. Vợ tôi là một giáo viên cùng trường cũng hỗ trợ tôi nhiều trong công tác chuyên môn.

Có một điều mà ở xã Sủng Trái ai cũng biết: Thầy Trọng là người công tác lâu năm nhất so với tất cả các thầy, cô giáo. Các học trò của thầy hiện nay đã có nhiều người thành đạt, trong đó có đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã. Với những cống hiến cho mảnh đất Sủng Trái nói riêng và ngành Giáo dục nói chung nên thầy Nguyễn Hữu Trọng đã được tặng nhiều giấy khen và năm nào thầy cũng được công nhận đạt Danh hiệu Lao động tiên tiến. Đặc biệt, năm 2017 thầy được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo.


Tin khác