Liên kết website

Thống kê truy cập

Du lịch

Giữ nghề làm khèn Mông ở Sủng Trái

02/02/2018 00:00 78 lượt xem

BHG - Cây khèn từ bao đời nay đã trở thành một nhạc cụ có ý nghĩa trong đời sống tinh thần và góp phần làm đặc sắc văn hóa dân tộc Mông trên Cao nguyên đá. Ngoài tiếng khèn, nghề làm khèn cũng được người dân nơi đây đã và đang gìn giữ. Vì thế, Tổ hợp tác làm khèn Mông xã Sủng Trái (Đồng Văn) được thành lập bước đầu đem lại kết quả khả quan cung như trong thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần giữ gìn nghề làm khèn truyền thống tại địa phương.

 Tổ hợp tác làm khèn Mông xã Sủng Trái được thành lập tháng 9.2017 với 7 thành viên là những nghệ nhân làm khèn lâu năm của xã. Tới thăm gia đình Nghệ nhân Ly Chá Hờ, thôn Tìa Súng, xã Sủng Trái, thành viên trong Tổ hợp tác, ông Hờ chia sẻ: “Ông làm khèn từ khi 18 tuổi, đến nay đã được gần 40 năm. Trước đây chưa có Tổ hợp tác, ông vẫn làm và bán đều đặn cho người dân. Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác làm khèn thì thấy công việc có ý nghĩa hơn rất nhiều, tôi đặt cả tâm huyết để làm ra chiếc khèn tốt. Mọi người khi làm cũng có trách nhiệm hơn, vì uy tín của Tổ. Ở đây, mọi người còn có thể học tập kinh nghiệm của nhau, đặc biệt là các thành viên trong Tổ có được thu nhập ổn định hơn trước”.

Từng ống trúc được được Nghệ nhân Ly Sính Hờ lựa chọn kỹ lưỡng để tạo nên những chiếc khèn tinh sảo.
Từng ống trúc được được Nghệ nhân Ly Sính Hờ lựa chọn kỹ lưỡng để tạo nên những chiếc khèn tinh sảo.

Được biết, Nghệ nhân Ly Chá Hờ là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề làm khèn; mỗi tháng, nếu làm liên tục, ông có thể làm được 25, 26 cây khèn; với giá bán là 1,2 triệu đồng/cây. Theo người dân địa phương, khèn của ông Hờ có giá cao hơn, do có kinh nghiệm làm khèn lâu năm; khèn ông làm ra có âm chuẩn và tiếng hay hơn, bởi ông biết lựa chọn vật liệu tốt. Ngoài ông Hờ, một số thành viên khác như: Anh Ly Sính Hờ, thôn Tìa Súng; Lầu Chá Của, thôn Há Pia, Ly Dũng Tú, thôn Phúng Tủng cũng là những nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm trong nghề làm khèn. Chia sẻ với chúng tôi, các nghệ nhân đều có chung mong muốn cùng góp sức phát triển Tổ hợp tác hơn nữa; bởi nghề làm khèn không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn gìn giữ được hình ảnh và tiếng khèn Mông, cũng như nghề làm khèn truyền thống của dân tộc.

 Hiện, có rất nhiều hợp tác xã, Tổ hợp tác làm khèn Mông; tuy nhiên, Tổ hợp tác làm khèn xã Sủng Trái đã dần khẳng định được thương hiệu riêng của mình: “Mặc dù mới thành lập nhưng, Tổ hợp tác đã nhận được các đơn đặt hàng đều đặn, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên. Chúng tôi thường bán cho trường học, khu trưng bày của các huyện, người dân nhiều nơi cũng tìm đến mua; vừa rồi chúng tôi còn mang đi bán tại các tỉnh lân cận và cung cấp khèn cho các nghệ nhân đi biểu diễn,… với giá bán tùy loại, từ 500 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng một cây khèn. Bước đầu các thành viên đều có thu nhập khá từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng”.

Anh Giàng Mí Và, Tổ trưởng Tổ hợp tác vui mừng chia sẻ: Hiện, ở xã không có nhiều nghệ nhân biết làm khèn; hầu hết các nghệ nhân đều cao tuổi. Chính vì vậy, Tổ hợp tác đã tạo điều kiện cho những người có nhu cầu học nghề đến học tập. “Để có một lớp trẻ học làm khèn là điều chúng tôi luôn mong muốn, sau này có thể vừa có một cái nghề, có thu nhập cho gia đình, lại có thể giữ gìn nghề làm khèn không bị mất đi.” Nghệ nhân Ly Chá Hờ chia sẻ.

Được biết, UBND huyện Đồng Văn đã có những biện pháp hỗ trợ cho Tổ hợp tác như: Tạo điều kiện cho sản phẩm của Tổ trưng bày tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ cho Tổ 20 triệu đồng khi mới thành lập để động viên các gia đình đã biết làm khèn không bỏ nghề. Vì vậy, cho dù cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi, nhưng nghề làm khèn vẫn luôn được người dân nâng niu, gìn giữ. Tổ hợp tác làm Khèn xã Sủng Trái có thể coi là một trong những nơi gìn giữ nét văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Mông trên Cao nguyên đá.



Tin khác